Đóng

Kiến thức

03/01/2017

Không nên dùng nhiều đường

Đường, một loại thực phẩm phổ biến có mặt trong hầu hết các loại đồ ăn hàng ngày, hiện nay đang là đối tượng của nhiều nghiên cứu liên quan đến bệnh ung thư vì có những ý kiến cho rằng đường có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Vậy thực chất đường có làm tăng nguy cơ ung thư hay không? Loại đường nào người tiêu dùng nên hạn chế khi ăn?
Đường và ung thư vú

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc trung tâm ung thư MD Anderson, thuộc trường đại học Texas, Hoa Kỳ, cho thấy chế độ ăn có nhiều đường của người phương Tây có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư vú và di căn sang phổi.

Bác sĩ Peiying Yang, người tham gia nghiên cứu cho biết thí nghiệm tiến hành trên chuột cho thấy việc ăn một lượng đường tương đương như lượng đường mà một người phương Tây thường ăn hàng ngày làm gia tăng sự phát triển của khối u ung thư và di căn, so với những chế độ ăn có bột nhưng không thêm đường cũng được tiến hành trên chuột. Nói về lượng đường trong khẩu phần ăn hàng ngày của người phương Tây được áp dụng trong thí nghiệm, bác sĩ Peiying Yang cho biết:
“Lượng đường trong khẩu phần ăn ở đây cũng tương đương với lượng đường thường thấy trong chế độ ăn của người phương Tây. Chế độ ăn của người Mỹ trung bình một năm là 72 pounds đến 100 pounds một người. Do đó trong nghiên cứu này chúng tôi cũng sử dụng cùng một lượng tương tự… Đây là một lượng đường khá cao nếu chúng ta tính ra thì sẽ thấy trung bình một ngày một người ăn khoảng 20 đến 22 thìa café đường một ngày.”

Những loại đường được nghiên cứu là đường bổ xung trong thức ăn bao gồm đường cát, và đường siro bắp (hay còn gọi là ngô) có lượng fructose cao thường xuất hiện trong các loại đồ ăn chế biến sẵn.

Các nhà nghiên cứu tiến hành 4 nghiên cứu trong đó chuột được cho ăn 4 chế độ ăn khác nhau ngẫu nhiên. Tất cả những chuột này đều đã có những gene có thể dẫn đến ung thư. Vào độ tuổi 6 tháng, 50 đến 58% chuột có chế độ ăn nhiều đường bổ sung bị phát hiện có khối u ung thư tuyến vú. Nghiên cứu cũng cho thấy số chuột ăn nhiều đường bị di căn vào phổi cao hơn nhiều so với chuột có chế độ ăn hạn chế tinh bột.

Nói về điểm đặc biệt của nghiên cứu mới so với những nghiên cứu trước kia về đường, bác sĩ Yang cho biết:

“Điểm mới của nghiên cứu này là nếu bạn nhìn vào các dữ liệu dịch tễ học thì bạn sẽ thấy là chế độ ăn có nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ bị các bệnh ung thư trong đó có ung thư vú. Tuy nhiên từ trước đến nay chưa có một nghiên cứu nào chỉ tập trung vào chế độ ăn nhiều đường và bệnh ung thư vú đặc biệt là ung thư vú di căn một cách có hệ thống. Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy việc ăn thêm đường hay chế độ ăn quá nhiều đường làm tăng nguy cơ phát triển u vú và làm tăng nguy cơ ung thư di căn vào phổi.”
Một số những nghiên cứu trước kia cho thấy đường có tác động mạnh lên ung thư đại tràng, tuyến tụy và tuyến tiền liệt. Trong số những nghiên cứu này, có một nghiên cứu cho thấy chế độ ăn có những loại thực phẩm làm tăng đường trong máu nhanh có hơn 26% nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt so với chế độ ăn hạn chế thực phẩm làm tăng đường máu. Một số các nghiên cứu khác cho thấy chế độ ăn có nhiều fructose và đường cát cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư tuyến tụy thêm từ 25 đến 29%. Riêng đối với ung thư trực tràng, chế độ ăn này có thể làm tăng nguy cơ ung thư lên đến 44%.

Theo bác sĩ Yang, mặc dù nghiên cứu mới chỉ được tiến hành trên chuột nhưng kết quả của nghiên cứu cũng chứa đựng những thông điệp quan trọng đối với người.

“Chúng tôi sẽ có nghiên cứu trên người để xác định việc ăn nhiều đường có ảnh hưởng thế nào lên dân số nói chung rồi có những nghiên cứu đối với những người khỏe mạnh. Nhưng nhìn chung mà nói việc ăn thêm đường từ lâu đã được xác định là một yếu tố có thể dẫn đến các nguy cơ bị nhiều loại bệnh bao gồm cả tiểu đường, tim mạch và ung thư. Mặc dù nghiên cứu này không nghiên cứu ảnh hưởng của việc ăn nhiều đường đối với chuột khỏe mạnh nhưng thông điệp chung cho mọi người là nên giảm lượng đường ăn vào. Thông điệp này đặc biệt quan trọng đối với những người đã bị ung thư vú.”
Tại sao đường làm tăng nguy cơ ung thư

Theo các nhà nghiên cứu thuộc trung tâm ung thư MD Anderson, đường liên quan đến những viêm nhiễm và sự xuất hiện của các tế bào ung thư ở người.

Theo các nhà khoa học thì đường là nguồn năng lượng cho mọi tế bào trong đó có tế bào ung thư. Chính vì vậy, một số nghiên cứu về hướng tiếp cận điều trị ung thư gần đây đã đề nghị cắt giảm lượng đường trong khẩu phần ăn của người bệnh với hy vọng là thiếu đường, các tế bào ung thư sẽ bị bỏ đói và chết đi.

Các nhà khoa học hiện vẫn chưa khẳng định việc ăn đường có thể trực tiếp dẫn đến ung thư nhưng đều cho rằng việc ăn nhiều đường sẽ dẫn đến các nguy cơ sức khỏe khác như béo phì, tiểu đường, và do đó làm tăng nguy cơ bị ung thư.

Bác sĩ Lorraine Lipscombe, thuộc Viện nghiên cứu và bệnh viện cho phụ nữ ở Toronto, Canada, cho biết:
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho rằng những bệnh nhân có tiểu đường thì cũng có nhiều nguy cơ bị một loạt các loại ung thư và tỷ lệ tử vong cao sau khi phát hiện bị ung thư.”

Theo một báo cáo vào năm 2013 của Hội Ung thư Hoa Kỳ và Hội tiểu đường Hoa Kỳ, những người bị tiểu đường type 2 thường có nguy cơ cao hơn người không bị tiểu đường đới với các bệnh ung thư như ung thư gan, tụy, đại tràng và bọng đái.

Giải thích về cơ chế này, bác sĩ Lipscombe cho biết chứng kháng insulin ở những người bị tiểu đường là nguyên nhân dẫn đến các nguy cơ ung thư:

“Đã có bằng chứng là insulin cao có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư vì insulin cũng là một nhân tố tác động. Sau nhiều năm bạn bị kháng insulin thì mức insulin bắt đầu hạ xuống và lúc đó bạn có tiểu đường. Do mối liên hệ này và thời điểm của nó nên những người bị kháng insulin có thể bị ung thư sớm và sau đó bị tiểu đường.”

Chứng béo phì, đặc biệt là béo phì bụng được cho là có liên quan đến chứng kháng insulin. Việc ăn nhiều đường bổ xung góp phần làm tăng lượng calorie không cần thiết mỗi ngày và do đó khiến người ta tăng cân nhanh, dần dần dẫn đến thừa cân, béo phì.

Bác sĩ Francesco Branca, Giám đốc Ban dinh dưỡng vì sức khỏe và phát triển của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cho biết thế giới đã có bằng chứng rõ ràng rằng việc duy trì lượng đường ăn vào hàng ngày ở mức thấp hơn 10% lượng calorie mỗi ngày mỗi người có thể làm giảm nguy cơ thừa cân và béo phì.

Trong thông cáo báo chí được công bố vào tháng 3 năm ngoái, WHO kêu gọi các nước nên giảm lượng đường ăn vào mỗi ngày đối với mọi người bao gồm cả người lớn lẫn trẻ em. Theo khuyến cáo mới của WHO, mỗi người nên giảm lượng đường ăn vào hàng ngày xuống dưới mức 10% lượng calorie mỗi ngày, tương đương khoảng 6 thìa café đường. Những loại đường mà WHO nói đến bao gồm đường tự do như glucose và fructosse và đường tinh luyện. Đây là các loại đường cho thêm vào thức ăn và đồ uống và đường xuất hiện tự nhiên trong mật, siro và nước quả đặc. Hướng dẫn mới của WHO không bao gồm các loại đường được tìm thấy trong các loại rau quả tự nhiên hay có tự nhiên trong sữa.

Theo bác sĩ Yang, để tránh nguy cơ bị ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác, mọi người nên cố gắng sử dụng nhiều hơn đồ ăn không qua chế biến công nghiệp, đặc biệt chú ý đến thành phần đường bổ sung như đường bắp có hàm lượng fructose cao trong các thực phẩm mua về. Ngoài ra, viện nghiên cứu Ung thưu Hoa Kỳ cũng khuyến cáo mọi người nên theo đuổi một chế độ ăn chú trọng vào rau, quả tự nhiên và các loại hạt hơn là các loại tinh bột đã qua chế biến và đường tinh luyện.

Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi.( nguồn RFA )